Muốn giải thích lí do tại sao một cá nhân lại quyết định thực hiện hành vi như vậy, hoặc khi muốn dự đoán trước được hành vi, phản ứng của người khác trong tình huống nào đó để có sự đối phó, dẫn dắt họ thực hiện theo mục đích của mình thì cần phải xác định được các hiện tượng tâm lý của người đó… Vì vậy, sự hiểu biết về tâm lý con người người là có ý nghĩa tất yếu khách quan trong bất kỳ lĩnh vực công tác nào, vì nó là hoạt động của con người.
Nắm bắt nguyên nhân, dự đoán hành vi của người bị buộc tội và bị hại
Hoạt động bào chữa, bảo vệ của Luật sư đối với khách hàng là người bị buộc tội hoặc bị hại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội và bị hại. Theo đó, những người này là những con người cụ thể – các chủ thể tâm lý – ý thức có đời sống tâm lý riêng biệt. Tâm lý của mỗi người không chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn tác động trở lại thế giới khách quan, sự “phản ánh” và “tác động trở lại” đó ở mỗi cá nhân, thậm chí ở thời gian, không gian khác nhau cũng có sự khác nhau. Tâm lý thực hiện chức năng định hướng, điều khiển, điều chỉnh hoạt động của con người.
Muốn giải thích lí do tại sao một cá nhân lại quyết định thực hiện hành vi như vậy; hoặc khi muốn dự đoán trước được hành vi, phản ứng của người khác trong tình huống nào đó để có sự đối phó, dẫn dắt họ thực hiện theo mục đích của mình thì cần phải xác định được các hiện tượng tâm lý của người đó… Vì vậy, sự hiểu biết tâm lý con người là yêu cầu tất yếu khách quan trong bất kỳ lĩnh vực công tác nào, vì nó là hoạt động của con người.
Đối với Luật sư trong hoạt động bào chữa cho người bị buộc tội và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại thì việc nắm bắt được các đặc điểm tâm lý của khách hàng mà họ bảo vệ là yêu cầu mang tính bắt buộc.
Bảo đảm giao tiếp thuận lợi giữa khách hàng và Luật sư
Ngoài ra, cần phải khẳng định rằng, nắm bắt được các đặc điểm tâm lý người bị buộc tội và bị hại bảo đảm giao tiếp giữa Luật sư và khách hàng diễn ra thuận lợi.
Việc hiểu được và tỏ ra đồng cảm với những vấn đề tâm lý mà khách hàng đang gặp phải sẽ tạo ra sự giao tiếp thấu hiểu và cảm thông dẫn đến hình thành sự thiện cảm, tin tưởng và sẵn lòng chia sẻ các vấn đề từ phía khách hàng cho Luật sư. Luật sư càng nắm rõ thông tin về vụ việc của khách hàng bao nhiêu thì việc tìm ra các phương thức giải quyết vấn đề của khách hàng càng hiệu quả bấy nhiêu. Mối quan hệ tốt đẹp và sự tin tưởng giữa khách hàng và Luật sư càng lớn thì khách hàng càng sẵn lòng chia sẻ những tình tiết mà họ biết về vụ việc.
Trên thực tế, có quan điểm cho rằng việc thiết lập sự giao tiếp để thấu hiểu và cảm thông với khách hàng của Luật sư là không cần thiết và có thể dẫn đến mối lo ngại rằng Luật sư sẽ bị cuốn sâu vào những cảm xúc của khách hàng. Theo quan điểm này thì Luật sư không phải là người được đào tạo để tư vấn tâm lý cho khách hàng. Ngược lại, lại có quan điểm cho rằng Luật sư cần chú trọng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và tin tưởng lẫn nhau với khách hàng.
Luật sư khi tiếp xúc với người bị buộc tội và bị hại sẽ thường giải thích cho khách hàng của mình về đặc quyền giữa khách hàng và Luật sư và nghĩ rằng đặc quyền này sẽ khiến cho khách hàng sẵn sàng chia sẻ các thông tin riêng tư, những dữ liệu về lỗi lầm của họ. Trong khi đặc quyền giữa khách hàng và Luật sư tạo ra cảm giác yên tâm cho triển vọng công việc của Luật sư thì nó không đem lại được hiệu ứng tương ứng với khách hàng vì họ chưa có cơ sở gì để đặt niềm tin vào trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư mà họ đang tiếp xúc. Ở đây, người bị buộc tội và bị hại tiết lộ với Luật sư về những thông tin thiệt hại hoặc hành vi sai trái của họ bởi vì họ tin tưởng vào người họ đang nói chuyện mà không phải do đặc quyền giữa khách hàng và Luật sư cho phép họ làm như vậy.
Người bị buộc tội và bị hại cần đến sự trợ giúp pháp lý từ phía Luật sư vì họ đang có những bế tắc, khó khăn tâm lý không thể tự mình giải quyết được (sự hoang mang lo sợ, sự đau khổ, sự bối rối và bất lực…). Cái tôi của họ trở nên yếu đuối nên họ có xu hướng muốn nhận được sự giúp đỡ của một cái tôi khác vững tin hơn. Trước tiên, người bị buộc tội và bị hại luôn mong đợi Luật sư hiểu mình, đi kèm theo đó là nỗi sợ Luật sư không hiểu được mình. Vì vậy, nếu Luật sư biết được khách hàng mà họ trợ giúp nghĩ gì, cảm xúc ra sao và đưa ra những quyết định gì thì sẽ giúp cho các công việc của mình đạt hiệu quả, cũng như làm gia tăng sự hài lòng của khách hàng về kết quả công việc của Luật sư.
Bảo đảm hiệu quả của việc thu thập chứng cứ có giá trị
Cuối cùng, việc nắm bắt được đặc điểm tâm lý của người bị buộc tội và bị hại bảo đảm hiệu quả của việc thu thập chứng cứ có giá trị để gỡ tội và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại.
Thông tin về vụ việc mà người bị buộc tội và bị hại cung cấp cho Luật sư là sản phẩm của hoạt động nhận thức (gồm các quá trình cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng). Người bị buộc tội và bị hại về sự việc phạm tội bắt đầu từ cảm giác nhưng không phải kích thích nào tác động trực tiếp đến họ cũng tạo ra được cảm giác, mà chỉ có những kích thích nằm trong phạm vi ngưỡng cảm giác. Ngưỡng cảm giác có thể thay đổi do sự thay đổi của điều kiện ngoại cảnh, đặc điểm thể chất và tâm lý của mỗi người.
Ở quá trình nhận thức cao hơn, phức tạp hơn, đó là tri giác, tư duy và tưởng tượng không chỉ chịu sự chi phối của các yếu tố khách quan gắn với hoàn cảnh (ánh sáng và tầm nhìn, địa điểm và thời gian quan sát, đặc điểm của kích thích, tiếng ồn và các yếu tố gây nhiễu, điều kiện theo dõi, quan sát không thuận lợi, tốc độ diễn ra nhanh chóng của sự việc…) mà cả những yếu tố chủ quan của người bị buộc tội và bị hại, trong đó có sự tham gia của các hiện tượng tâm lý như: nhu cầu, hứng thú, sở thích, mục đích, tình cảm, động cơ… Chính vì vậy, tuy cùng một sự việc nhưng ở từng người tri giác sự việc đó có thể có những nhận thức khác nhau dẫn đến kết luận về cùng sự việc đó cũng khác nhau.
Sản phẩm của hoạt động nhận thức về vụ việc phạm tội ở người bị buộc tội và bị hại khi được ghi nhớ và lưu giữ trong trí nhớ của họ lại dễ bị ảnh hưởng bởi những gợi ý, thậm chí, qua thời gian dần trở nên bị bóp méo và thêu dệt. Trong một số trường hợp, các thông tin ban đầu có thể bị thay đổi để kết hợp với một thông tin hay một trải nghiệm mới. Chính vì vậy, hiểu rõ được đặc điểm của hoạt động nhận thức, trí nhớ cũng như các đặc điểm tâm lý khác của người bị buộc tội và bị hại giúp Luật sư biết cách sàng lọc, đánh giá, phản biện thông tin do khách hàng cung cấp nhằm có được những chứng cứ giá trị phục vụ cho công việc của mình.
Nguồn: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự
ø Lưu ý: việc đăng tải bài viết đã thông qua điều chỉnh của tác giả và không nhằm mục đích thương mại ø