[Kỹ năng Luật sư Hình sự] Một số đặc điểm tâm lý riêng của người bị buộc tội

Buộc tội là hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được Bộ luật hình sự quy định là tội phạm. Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (theo điểm đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật TTHS năm 2015). Nhận thức về đặc điểm tâm lý của người bị buộc tội là vấn đề mà luật sư phải lưu ý khi giải quyết vụ án hình sự.

1) MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ RIÊNG CỦA NGƯỜI BỊ BẮT, NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ

Một là: Tâm trạng hoang mang, lo lắng

Đây là biểu hiện tâm lý phổ biến nhất ở người bị bắt, người bị tạm giữ trong các vụ án hình sự; Là trạng thái tâm lý biểu hiện sự bất ổn, sự xáo trộn trong đời sống tinh thần của họ. Thông thường, tâm trạng này xuất hiện ở cá nhân ngay sau khi bị bắt và có thể kéo dài trong suốt quá trình tham gia tố tụng. Tâm trạng hoang mang, lo lắng là trạng thái không có lợi cho hoạt động chủ động, sáng suốt của chủ thể. Ở trạng thái này, khi khách hàng trình bày thông tin về sự việc xảy ra trong quá trình tiếp xúc với Luật sư thường thiếu lôgíc, dễ bộc lộ các điểm mâu thuẫn. Cùng với việc người bị buộc tội là người bị bắt, bị tạm giữ xuất hiện tâm trạng hoang mang, lo lắng, bất an khi bị khống chế, giám sát bởi các cơ quan tiến hành tố tụng thì ở trong họ cũng nảy sinh cảm giác cô độc, mất phương hướng, tự ti. Nắm vững trạng thái và đặc điểm tâm lý này của khách hàng là điều vô cùng quan trọng đối với Luật sư bào chữa.

Hai là: Trạng thái tâm lý hay quan sát, thăm dò, đánh giá người bào chữa trong lần tiếp xúc đầu tiên

Trong lần tiếp xúc đầu tiên với Luật sư, người bị bắt luôn quan sát, nhận xét về thái độ, cách đặt câu hỏi và mọi biểu hiện khác nhau của Luật sư để phán đoán tình hình và căn cứ vào nhận định đó để lựa chọn cách thức làm việc với Luật sư. Ở người bị bắt, người bị tạm giữ sẽ xuất hiện ấn tượng ban đầu về Luật sư, đó là hình ảnh tâm lý khái quát về người bào chữa xuất hiện ở người bị bắt sau lần tiếp xúc, gặp gỡ đầu tiên. Ấn tượng ban đầu là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình giao tiếp giữa Luật sư và người bị bắt, người bị tạm giữ. Ấn tượng ban đầu có thể là nhận thức cảm tính thiếu chính xác nhưng đôi khi nó trở thành yếu tố quyết định đến việc có hay không việc duy trì mối quan hệ giao tiếp giữa người bị bắt, người bị tạm giữ với Luật sư. Ấn tượng ban đầu có hai thành phần là nội dung nhận thức và nội dung thái độ cảm xúc. Trong nhận thức, trên cơ sở nắm bắt những đặc điểm bề ngoài thông qua hành vi, tác phong, cử chỉ, nét mặt, điệu bộ, trang phục, lời nói… của Luật sư mà người bị bắt, người bị tạm giữ sẽ phân tích, tổng hợp những đặc điểm tâm lý của Luật sư. Nội dung nhận thức trở thành nền tảng làm xuất hiện thái độ cảm xúc ở người bị bắt, người bị tạm giữ về Luật sư. Ấn tượng ban đầu vì vậy thường chia thành hai loại: Ấn tượng tốt và ấn tượng xấu. Do vậy, Luật sư cần chú ý đến cơ chế hình thành ấn tượng ban đầu để có sự thận trọng khi tiếp xúc lần đầu với người bị bắt, người bị tạm giữ. Nhiều trường hợp khi tiếp xúc với Luật sư ban đầu, khách hàng có cảm giác lạnh nhạt, thờ ơ, khó chịu và cảm giác đó khiến họ bị thất vọng và không muốn nói, không muốn tiếp tục hợp tác với Luật sư. Có trường hợp Luật sư vồn vã, hỏi han, khuếch trương thành tích và kinh nghiệm bào chữa của mình và thao thao nói về mình, không chú ý đến cảm giác của khách hàng, việc này khiến khách hàng hoang mang và choáng ngợp tạo tâm lý bất an không biết sẽ thế nào. Chính vì vậy, sự ôn tồn, sẻ chia, lắng nghe, thấu hiểu vấn đề và có những định hướng ban đầu chính xác sẽ tạo cảm giác ấm áp, tin cậy và ấn tượng tốt về Luật sư.

2) MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ RIÊNG CỦA BỊ CAN

Đặc điểm tâm lý của bị can ảnh hưởng trực tiếp tới lời khai cũng như sự tham gia của họ trong các hoạt động tố tụng. Luật sư nhận lời bào chữa cho bị can cần phải nắm được những đặc điểm tâm lý của bị can, từ đó Luật sư sẽ chủ động tác động điều chỉnh để thực hiện các hoạt động bào chữa đạt được kết quả như mong muốn. Khách hàng của Luật sư đang trong hoàn cảnh bị tước đi một số quyền công dân cơ bản, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn để điều tra, ở bị can xuất hiện những biểu hiện tâm lý phổ biến, đó là: Tâm trạng hoang mang, lo lắng, nhiều bị can ở tâm trạng đầy sợ hãi khi bị tạm giam với các đối tượng lưu manh, cộm cán giang hồ trong nhà tạm giữ. Bị can luôn mong muốn tìm hiểu sự hiểu biết của CQĐT về vụ án đến đâu và diễn biến hoạt động điều tra như thế nào. Họ còn mong muốn được giảm nhẹ TNHS hoặc giảm nhẹ hình phạt; Xuất hiện các mâu thuẫn nội tâm khi tiếp xúc với Luật sư; Trạng thái bi quan, chán chường, thất vọng; Trạng thái đau khổ, ân hận…

Một là: Trạng thái bi quan, chán chường, thất vọng

Đây là biểu hiện tâm lý đặc trưng của bị can. Họ cho rằng việc mình bị khởi tố bị can là cuộc đời coi như đã hết, không còn tương lai, mọi hy vọng sụp đổ, chịu sự trừng phạt của pháp luật là điều không thể tránh khỏi… Do đó, ở những bị can này luôn có thái độ phó mặc cho số phận, không quan tâm đến hoạt động điều tra, thậm chí có thể thúc đẩy họ có phản ứng tiêu cực đó là tự sát. Trạng thái tâm lý này là biểu hiện dạng tâm lý tiêu cực điển hình làm cho cá nhân không còn hưng phấn với tác động xung quanh. Đối với hoạt động bào chữa của Luật sư thì trạng thái tâm lý này của bị can là rất bất lợi, họ thường từ chối giao tiếp, từ chối tiếp xúc, do đó khó tiến hành hoạt động trợ giúp pháp lý, bào chữa cho khách hàng khó có được hiệu quả khi mà khách hàng bất hợp tác. Nắm bắt được trạng thái tâm lý này, giúp Luật sư thực hiện các kỹ năng mềm của mình trong hoạt động bào chữa, bảo vệ cho khách hàng đang rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn đó.

Hai là: Trạng thái tâm lý sốt ruột, nóng vội, mong muốn tìm hiểu sự hiểu biết của CQĐT về vụ án và diễn biến hoạt động điều tra về bị can bị tạm giam trong vụ án hình sự

Sự lo sợ sẽ phải chịu hình phạt thúc đẩy bị can tìm hiểu xem CQĐT đã biết những gì, tiến trình điều tra như thế nào… để căn cứ vào đó đưa ra những lời khai “có lợi” cho họ. Từ chỗ muốn tìm hiểu sự hiểu biết của CQĐT để quyết định lời khai, ở bị can nảy sinh một loạt nhu cầu: Muốn gặp gia đình, người thân, muốn liên lạc với bên ngoài, muốn “có bạn”, dò hỏi tình hình thông qua việc gặp gỡ Luật sư… Do đó, Luật sư cần nắm rõ các nhu cầu này để có những phản ứng, cách thức làm việc phù hợp trong quá trình tiếp xúc với bị can.

Ba là: Tâm lý mong muốn được giảm nhẹ TNHS hoặc giảm nhẹ hình phạt của bị can

Trong thực tế, cũng có những bị can không trốn tránh TNHS, không xin giảm hình phạt dù là mức án cao nhất. Những bị can này trong quá trình tiếp xúc với Luật sư thường có thái độ buông xuôi, bất cần, không mong muốn có người bào chữa cho mình. Nhưng trong đa số các trường hợp, các bị can đều có mong muốn được giảm nhẹ hình phạt. Mong muốn này đã chi phối các đặc điểm tâm lý khác và làm nảy sinh ở những bị can khác nhau những thái độ khai báo khác nhau: Đối với những bị can phạm tội lần đầu, lỗi vô ý, hoặc bị can bị lôi kéo, cưỡng ép hoặc do kém hiểu biết pháp luật mà phạm tội thì mong muốn này thường thúc đẩy bị can khai báo thành khẩn để hưởng lượng khoan hồng. Nhưng đối với các bị can thuộc dạng phạm tội chuyên nghiệp, lưu manh, côn đồ, những bị can phạm tội cố ý và không bị bắt quả tang, thì mong muốn này lại thúc đẩy các đối tượng khai báo quanh co, chống đối lại CQĐT ngay cả khi CQĐT đã có đủ tài liệu làm rõ hành vi phạm tội của họ, với bản tính đó thì họ cũng sẽ không hợp tác với Luật sư trong quá trình tiến hành bào chữa.

Bốn là: Xuất hiện mâu thuẫn nội tâm trong chính con người mỗi bị can

Trong hoàn cảnh tố tụng, bị can thường có mâu thuẫn nội tâm do hai khuynh hướng đối lập nhau, đó là vừa muốn tiếp xúc, gặp gỡ Luật sư để được bảo đảm quyền bào chữa, có bị can muốn thông qua gặp gỡ Luật sư để thăm dò tin tức, tìm hiểu sự hiểu biết của CQĐT và tiến trình điều tra, gửi lời đến gia đình, bạn bè, người thân; đồng thời, vừa muốn né tránh, không gặp gỡ Luật sư vì sợ bộc lộ “sơ hở”, ngại chia sẻ thông tin, tâm lý phòng vệ đặc biệt trong trường hợp đối với Luật sư do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định. Biểu hiện tâm lý này sẽ gây ra những khó khăn, thách thức trong việc thực thi nhiệm vụ bào chữa của Luật sư. Nhưng về mặt khách quan, điều này phản ánh thái độ của bị can có hưng phấn, có tính tích cực trong phản ứng với hoàn cảnh hiện tại của bản thân mà không phải buông xuôi, phó mặc cho hoàn cảnh. Đây là một điều kiện tâm lý cần thiết để Luật sư có thể tiến hành những tác động tâm lý tới bị can nhằm bảo đảm được các nguyên tắc tố tụng trong quá trình bào chữa cho bị can.

Năm là: Trạng thái tâm lý đau khổ, ân hận

Sau khi bị khởi tố, phần nhiều bị can xuất hiện trạng thái đau khổ, ân hận về hành vi phạm tội của mình. Trạng thái tâm lý này thường xuất hiện ở những bị can nhất thời phạm tội, phạm tội do lỗi vô ý hoặc phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh… Đối với những bị can này, sau khi phạm tội thường tự nhận thức được sai lầm của mình, do đó họ rất ân hận và có mong muốn được sửa chữa, khắc phục phần nào hậu quả, lỗi lầm mà mình đã gây ra. Khi ở vào trạng thái tâm lý này, bị can thường có thái độ khai báo thành khẩn, nhưng do ân hận, đau khổ về hành vi của mình, tư duy và trí nhớ của họ bị giảm sút nên thường cung cấp thông tin thiếu lôgíc, thiếu đầy đủ, không được chính xác. Luật sư cần thực hiện những tác động tâm lý để đưa họ về trạng thái tâm lý ổn định.

   §§ Luật sư cũng cần chú ý một số nguyên nhân phổ biến của việc bị can từ chối khai báo trong các buổi lấy lời khai của CQĐT, đó là:

Một là: Tin vào khả năng chối tội

Bị can có niềm tin vào khả năng che giấu tội lỗi, làm giảm TNHS của mình bằng cách không khai hoặc khai gian dối. Tâm lý này thường xuất hiện ở những bị can có nhiều tiền án, tiền sự, có kinh nghiệm đối phó, hoặc xuất hiện ở những bị can có trình độ chuyên môn thuộc lĩnh vực phạm tội cao, tin rằng những che giấu của mình, CQĐT khó có thể tìm ra.

Đây là nguyên nhân rất phổ biến ở bị can và là nguyên nhân tâm lý phức tạp nhất bởi xuất phát từ niềm tin của bị can cho rằng nếu không khai thì CQĐT sẽ không có đủ chứng cứ kết tội, có thể trốn tránh một phần trách nhiệm. Hoặc bị can tin rằng bằng việc khai gian dối có thể dẫn hoạt động điều tra đi chệch hướng, tội lỗi của bị can sẽ được giảm nhẹ vì sự thật của vụ án sẽ không được tìm ra.

Hai là: Bị can có tâm lý lo sợ hành vi phạm tội của mình sẽ làm liên lụy, ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, quyền lợi của gia đình, người thân của họ

Đây cũng là nguyên nhân tâm lý phổ biến ở bị can thúc đẩy họ không khai báo hành vi phạm tội của bản thân. Bị can lo sợ việc khai nhận sự thật, thừa nhận tội lỗi sẽ làm cuộc sống của gia đình, người thân bị ảnh hưởng. Sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cha mẹ, vợ hoặc chồng, liên luỵ đến những người thân khác, vì thông thường những người thân của bị can đều ít nhiều liên quan hoặc biết hành vi phạm tội của họ. Đây là một nguyên nhân tâm lý cản trở việc khai báo thành khẩn của bị can nhưng đó là biểu hiện của tình cảm gia đình, một cơ sở quan trọng để Luật sư đặt niềm tin vào khả năng thuyết phục nhằm tác động khơi dậy những điều tốt đẹp ở bị can, làm chuyển đổi thái độ, hành vi của họ theo hướng có lợi cho hoạt động bào chữa.

Ba là: Đặc điểm tính cách ngang bướng của bị can

Ở một số bị can, việc không khai báo thành khẩn là xuất phát từ đặc điểm tâm lý bền vững đã có ở bị can từ trước, đó là tính cách ngang bướng, muốn làm ngược ý người khác, muốn chứng tỏ sự khác người, muốn tỏ rõ “bản lĩnh” hay “khí phách” của bản thân. Nguyên nhân tâm lý này thường thấy ở những bị can ít tuổi, bị can là những người dưới 18 tuổi, có trình độ văn hoá thấp hoặc ở bị can có định hướng giá trị và quan điểm sống đi ngược với chuẩn mực chung. Với những bị can này, việc thuyết phục, cảm hoá ít có tác dụng, nhưng thuận lợi cho việc sử dụng tác động tâm lý kích động tính kiêu ngạo, sự bốc đồng, hiếu thắng của bị can.

Bốn là: Trạng thái tâm lý bi quan, thất vọng dẫn đến việc bị can bất hợp tác, không khai báo gây bất lợi cho bị can

Trong nhiều trường hợp bị can từ chối khai báo với CQĐT, từ chối tiếp xúc với Luật sư do nguyên nhân bị can quá bi quan, thất vọng về cuộc sống của mình, từ đó tỏ ra tiêu cực không quan tâm đến hoạt động điều tra, không khai báo hoặc ngược lại có trường hợp nhận tội một cách tùy tiện cho xong, dẫn đến gây rất nhiều bất lợi cho họ. Nguyên nhân tâm lý này thường gặp ở những bị can phạm tội lần đầu, do bị lôi kéo, lừa dối, cưỡng ép mà phạm tội, do hoàn cảnh đặc biệt nào đó mà phạm tội, hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng mà bị can thấy phải chịu hình phạt cao nhất là điều không tránh khỏi. Đây là nguyên nhân tâm lý thuộc dạng tiêu cực, Luật sư cần tác động tâm lý, phân tích, giảng giải những điều hơn thiệt trong cách ứng xử của họ, hoặc đưa ra các tình huống có thể xảy ra để bị can thấy được điều sai trái trong phản ứng hiện tại của họ để từ đó bị can thấy cần phải thay đổi.

Nhiều trường hợp do ác cảm với Cán bộ điều tra trong quá trình tiếp xúc, trao đổi, dẫn đến việc bị can từ chối khai báo hoặc khai báo gian dối khi Cán bộ điều tra này hỏi nhưng lại thành khẩn khai báo khi được Cán bộ điều tra khác hỏi. Nguyên nhân ở đây là do bị can không tin tưởng, coi thường và không phục Cán bộ điều tra trước. Cách thức tiến hành tiếp xúc lấy lời khai của Cán bộ điều tra đã làm cho bị can có ác cảm, có nhận thức tiêu cực, không tin tưởng vào sự khách quan vô tư, độ lượng của Cán bộ điều tra trong hoạt động lấy lời khai. Cũng có thể do quan hệ không tốt đã có từ trước giữa Cán bộ điều tra và bị can. Hiểu được trạng thái tâm lý bất ổn này của khách hàng đang là bị can trong vụ án sẽ giúp Luật sư giải tỏa được tâm lý cho bị can, đồng thời Luật sư khéo léo, tế nhị không để tâm lý bị can làm ảnh hưởng đến tâm lý của Cán bộ điều tra, gây nhiều bất lợi cho khách hàng của Luật sư.

Năm là: Tâm lý quá tự tin, cho rằng mình đã có người che chắn, cứu giúp ở bên ngoài hoặc hy vọng vào khả năng mua chuộc, hối lộ được Cán bộ điều tra và CQĐT nên thái độ khá ngạo mạn, thách đố

Do bị can nghĩ rằng mình có người thân hoặc có quan hệ quen thân với người công tác trong các cơ quan tố tụng hoặc cán bộ có chức quyền nào đó và hy vọng, tin tưởng, ỷ vào sự che chở, giúp đỡ từ bên ngoài. Có bị can không hề có các quan hệ này, nhưng lại hy vọng có thể mua chuộc Cán bộ điều tra hoặc cán bộ có chức quyền nào đó để họ can thiệp, giúp đỡ. Trên thực tế, những bị can bị khởi tố về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thường có biểu hiện tâm lý trên. Điều quá tự tin này khiến bị can rơi vào trạng thái tâm lý ngạo mạn, coi thường người khác, gây nhiều bất lợi cho bị can. Luật sư bào chữa cho những bị can là đối tượng này, hiểu được bản chất của vấn đề, sẽ có phương pháp, kỹ năng khéo léo tác động đạt hiệu quả.

Sáu là: Bị can có ý thức coi thường pháp luật, coi thường sự trừng phạt

Nguyên nhân này thường gặp phổ biến ở các bị can có nhiều tiền án, tiền sự, đặc biệt là các bị can phạm tội có tính chuyên nghiệp, hoạt động phạm tội diễn ra thường xuyên, liên tục trong cuộc sống của họ. Sự coi thường pháp luật, coi thường sự trừng phạt dẫn tới thái độ trâng tráo, khai báo gian dối, khiêu khích, thách thức và thiếu tôn trọng đối với Cán bộ điều tra và không hợp tác với Luật sư.

Bảy là: Bị can sợ bị đồng bọn xử phạt, trả thù

Nguyên nhân này thường gặp ở những bị can trong vụ án đồng phạm, những bị can là thành viên của các ổ nhóm phạm tội được đặc trưng bởi sự liên kết, ràng buộc lẫn nhau trên cơ sở “luật rừng”. Trong hỏi cung, bị can mặc dù muốn khai báo để hưởng sự khoan hồng của pháp luật song lại sợ nếu mình là người khai báo trước thì sẽ bị thủ lĩnh hoặc đồng bọn trả thù không chỉ nguy hại với bản thân mà còn cả với gia đình, do đó thường khai báo loanh quanh nhỏ giọt, lời khai không ổn định. Hiểu được trạng thái tâm lý ở diện đối tượng này, giúp Luật sư có kế hoạch và kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả nhất khi thực hiện các công việc bào chữa của mình.

Tám là: Bị can sợ phải bồi thường thiệt hại

Ngoài những trường hợp do lo sợ về TNHS mà không khai báo thành khẩn, còn có không ít trường hợp bị can khai báo quanh co, đổ lỗi cho người khác vì lý do sợ phải bồi thường những thiệt hại do bị can gây ra. Loại nguyên nhân này thường gặp ở những bị can phạm các tội mà hậu quả tội phạm gây thiệt hại lớn về kinh tế. Giá trị thiệt hại có thể không lớn (chưa đạt tới mức thiệt hại nghiêm trọng theo quy định của luật hình sự) nhưng đối với khả năng kinh tế của bị can thì việc bồi thường sẽ khó khăn hoặc bị can nhận thức rằng thiệt hại họ gây ra quá lớn. Đây không phải là nguyên nhân chính nhưng cũng là một yếu tố cản trở sự khai báo thành khẩn của bị can. Phát hiện chính xác và tác động giúp cho bị can thoát khỏi sự lo sợ này là rất cần thiết trong quá trình tiếp xúc.

Có thể nói, những đặc điểm tâm lý nào và xuất hiện ra sao ở bị can là phụ thuộc vào hoàn cảnh phạm tội cụ thể, hoàn cảnh bị bắt cũng như việc bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, hậu quả của tội phạm và sự cảm nhận của họ về tính nghiêm trọng của tội phạm và trách nhiệm pháp lý của họ. Đặc điểm tâm lý của bị can không chỉ chịu tác động bởi thái độ, phong cách và phương pháp tác động của Cán bộ điều tra mà bởi cách tiếp xúc của Luật sư. Luật sư cần phải nghiên cứu kỹ các đặc điểm tâm lý của bị can và nguồn gốc nảy sinh để có phương án tác động phù hợp.

3) MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ RIÊNG CỦA BỊ CÁO

Đặc điểm tâm lý của bị cáo trong hoạt động xét hỏi tại phiên tòa rất đa dạng tùy thuộc vào lứa tuổi; nghề nghiệp; trình độ học vấn; lần đầu phạm tội hay nhiều lần phạm tội; tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội… song có thể khái quát một số đặc điểm tâm lý phổ biến của bị cáo như sau:

So với các giai đoạn tố tụng trước đó, cá nhân với tư cách là bị cáo ở giai đoạn xét xử có tâm lý mang tính ổn định hơn, không còn bỡ ngỡ với hoạt động tố tụng như ở giai đoạn điều tra. Bị cáo đã biết được cơ quan tố tụng có những chứng cứ gì buộc tội mình, họ tự đánh giá được mức độ hình phạt mà bản thân phải chịu.

Một là: Bị cáo luôn mong muốn được Tòa án tuyên án với mức án nhẹ hơn tội danh và hình phạt mà VKS đã truy tố (trừ trường hợp án oan) để kết thúc sớm việc thi hành án và được tự do nên sẵn sàng khai báo tại Tòa.

Khi tham gia phiên tòa, bị cáo thường có tâm lý căng thẳng, hoạt động tư duy của bị cáo diễn ra với tốc độ cao theo các diễn biễn tại phiên tòa. Nhiều bị cáo có thể rơi vào trạng thái bão hoà cảm xúc; đó là trạng thái tâm lý của con người bị mất tính nhạy cảm đối với kích thích, mất khả năng phản ứng nhanh nhạy, linh hoạt. Đối với bị cáo khi tham dự phiên toà, hiện tượng bão hòa cảm xúc có thể xảy ra như là hệ quả của trạng thái tâm lý căng thẳng quá mức kéo dài trong suốt các giai đoạn của hoạt động tố tụng, từ giai đoạn điều tra cho đến giai đoạn xét xử tại Tòa. Ngoài ra, các yếu tố khác dẫn đến hiện tượng bão hoà cảm xúc ở bị cáo bao gồm diễn biến tại phiên toà không đúng như kỳ vọng của bị cáo; Tác động của dư luận xã hội mạnh mẽ, điều kiện sức khoẻ, biến cố gia đình; Chứng kiến sự đau khổ của người thân tại Tòa khiến bị cáo như rơi xuống vực, chưa kể đến phiên tòa có nhiều người tham dự, có cả báo chí, truyền thông… Khi bị rơi vào trạng thái bão hoà cảm xúc, bị cáo sẽ có ứng xử tại phiên toà một cách máy móc, kém tinh nhạy và sáng suốt, do đó, không trình bày được một cách thuyết phục những vấn đề có liên quan đến vụ án như đã thống nhất với Luật sư trước đó; Không trả lời được một cách lôgíc, rõ ràng và mạch lạc các câu hỏi của những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa đặt ra.

Hai là: Cố gắng tìm cách chố cự trước các câu hỏi

Bị cáo cố gắng dự đoán trước những câu hỏi của HĐXX, của Kiểm sát viên tại phiên tòa và luôn muốn đề xuất với Luật sư những câu hỏi, những tình huống có thể xảy ra tại Tòa nhằm chuẩn bị nội dung trả lời và có những phản ứng sao cho có lợi nhất đối với bản thân.

Ba là: Tâm lý yếu, rụt rè

Nhiều bị cáo ít kinh nghiệm sống, ít va chạm trong cuộc sống, tính tự chủ và kiềm chế cảm xúc yếu khi tham gia phiên tòa có đông người tham gia, nhất là ở các phiên tòa xét xử lưu động. Trước thái độ của bị hại, người bào chữa và thân nhân bị hại, dư luận xã hội về vụ án nên có thể xuất hiện các cảm xúc, lời nói và hành vi bột phát, thiếu sáng suốt. Lưu ý, đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi có những đặc điểm tâm lý mang tính chất đặc trưng của lứa tuổi (cảm xúc và hành vi dễ bốc đồng theo tình huống phát sinh, hiếu thắng, dễ bị kích động, thích khẳng định mình một cách thái quá). Trong các phiên tòa xét xử đối với người dưới 18 tuổi có những biểu hiện tâm lý trái ngược nhau: Có bị cáo ở phiên tòa thì tỏ ra sợ hãi, hối hận đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình, song ngược lại thì cũng có những bị cáo tỏ vẻ “chất anh hùng” của mình, bất cần, không chút sợ hãi, thậm chí có hành vi cố tình cười cợt… thể hiện sự hạn chế trong nhận thức về pháp luật, sự nhận thức chưa đầy đủ hoặc phiến diện về chuẩn mực đạo đức.

Nguồn: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự

ø Lưu ý: việc đăng tải bài viết đã thông qua điều chỉnh của tác giả và không nhằm mục đích thương mại ø

Để được ĐẠI LÝ THUẾ HTMA tư vấn chi tiết về dịch vụ
Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 084.86.084.84 – 084.89.084.84
hoặc gửi qua địa chỉ email: dailythue@htma.vn

Đánh giá bài viết:
5/5

Related Posts

error: Content is protected !!