[Kỹ năng Luật sư Hình sự] Phân loại dấu vết hình sự

Có nhiều cách để phân loại dấu vết hình sự. Mỗi căn cứ sẽ cho cách phân loại khác nhau. Dưới đây là một số cách phân loại phổ biến:

Một là, căn cứ vào trạng thái tồn tại của dấu vết hình sự, dấu vết được phân loại như: Dấu vết ở dạng chất rắn; Dấu vết ở dạng chất khí;

Dấu vết ở dạng chất lỏng; Dấu vết ở dạng mùi vị; Dấu vết ở dạng âm thanh; Dấu vết ở dạng ánh sáng; Dấu vết ở dạng từ trường;…

Hai là, căn cứ vào sự phản ánh hình thái, cấu trúc bên ngoài và sự tác động qua lại giữa vật gây vết và vật tiếp nhận dấu vết, dấu vết hình sự được phân loại thành các dạng: Dấu vết lõm, dấu vết in, dấu vết trượt, dấu vết cắt. Đối với các loại dấu vết này, đặc điểm về mặt hình thái (của vật gây vết, dấu vết) là một trong những đối tượng dùng để truy nguyên.

+ Dấu vết in: Hình thành chủ yếu do sự di chuyển vật chất, khi có sự tác động qua lại giữa vật gây vết và vật mang vết. Tại vị trí tiếp xúc dấu vết phản ánh đặc điểm phần lồi của vật gây vết. Dấu vết in được chia thành 2 loại: Dấu vết in ra và dấu vết in lõm.

Dấu vết in lồi: Dấu vết in được hình thành khi vật gây vết để lại một lớp mỏng vật chất trên bề mặt của vật mang vết.

Dấu vết in lõm: Là dấu vết được hình thành khi vật gây vết lấy đi một lớp mỏng vật chất trên bề mặt vật mang vết.

+ Dấu vết lõm: Được hình thành khi vật gây vết tác động vào bề mặt vật mang vết làm cho bề mặt vật mang vết bị biến dạng. Tại vị trí tiếp xúc dấu vết phản ánh đặc điểm hình dáng bên ngoài của vật gây vết (phần tiếp xúc với vật mang vết).

+ Dấu vết trượt: Là một dạng dấu vết lõm hoặc dấu vết in, song sự hình thành là do sự tác động có tính chất di chuyển của một trong hai đối tượng, hoặc cả hai đối tượng tạo ra tại vị trí tiếp xúc dấu vết phản ánh là những đường xước song song.

+ Dấu vết cắt: Là một dạng của dấu vết lõm, song được hình thành do sự tác động lưỡi cắt lên bề mặt vật mang vết, làm cho vật mang vết bị lõm xuống hoặc đứt rời ra. Tại vị trí tiếp xúc dấu vết cắt phản ánh được đặc điểm riêng của lưỡi cắt dưới dạng các đường nhỏ chạy song song.

Ba là, căn cứ vào sự phản ánh cấu trúc bên trong của đối tượng gây vết, để lại dấu vết, trong đó sự hình thành dấu vết là do sự di chuyển một phần vật chất của đối tượng gây vết. Theo căn cứ phân loại này, dấu vết hình sự được phân thành hai loại cơ bản là dấu vết sinh học và dấu vết hóa học. Thuộc tính của dấu vết cũng chính là thuộc tính của đối tượng gây vết, nó là yếu tố chủ yếu dùng để truy nguyên.

+ Dấu vết sinh học: Dấu vết máu, dấu vết tinh trùng, dấu vết lông, tóc, bông vải sợi, dấu vết rong, rêu, tảo, bụi phấn hoa, các chất bài tiết khác như: nước tiểu, phân, nước bọt…

+ Dấu vết hóa học: Dấu vết sơn, dấu vết dầu, mỡ, dấu vết đất, dấu vết thuốc súng, dấu vết độc chất…

Bốn là, căn cứ vào đối tượng gây vết để phân loại, có các loại dấu vết hình sự như: Dấu vết vân tay; Dấu vết chân, giày, dép; Dấu vết công cụ; Dấu vết súng đạn; Dấu vết răng; Dấu vết phương tiện giao thông; Dấu vết súc vật kéo.

Năm là, căn cứ vào chính tên gọi của các chất, vật thể là dấu vết, theo đó có thể phân loại dấu vết thành các loại như: Dấu vết máu; Dấu vết lông tóc; Dấu vết vải sợi; Dấu vết sơn; Dấu vết đất; Dấu vết thủy tinh; Dấu vết kim loại…

Sáu là, căn cứ vào sự phân chia, các phần vật thể bị tách ra từ tổng thể của một vật thể, dấu vết hình thành là các đường rạn, vỡ, đứt, rách, gãy trên các phần vật thể (Phần chìa khoá bị gãy nằm lại trong ổ khoá; Các mảnh của một tài liệu bị xé vụn; Đoạn dây bị đứt…). Các loại dấu vết này còn được gọi là dấu vết khớp. Thuộc tính của dấu vết ở mỗi phần vật thể bị tách ra là đối tượng chủ yếu dùng để truy nguyên đối tượng cần truy nguyên.

Bảy là, căn cứ vào các chuyên ngành của giám định kỹ thuật hình sự, có thể phân loại dấu vết hình sự theo tên các chuyên ngành, bao gồm: Dấu vết đường vân; Dấu vết cơ học; Dấu vết súng đạn; Dấu vết cháy nổ và sự cố kỹ thuật; Dấu vết âm thanh; Dấu vết hoá học; Dấu vết sinh học; Dấu vết điện tử.

Tám , căn cứ vào loại vụ việc để phân loại dấu vết, bao gồm: Dấu vết tai nạn giao thông; Dấu vết cháy, nổ; Dấu vết tự sát…

Chín là, căn cứ vào kích thước, khối lượng của dấu vết, dấu vết được, có thể được phân loại thành vĩ vết và vi vết.

+ Vĩ vết: Dấu vết có kích thước và khối lượng lớn đến một mức nhất định mà mà mắt thường có thể quan sát được.

+ Vi vết: Dấu vết có kích thước và khối lượng rất nhỏ, mắt thường khó có thể quan sát thấy nếu không sử dụng các phương tiện kỹ thuật phóng đại.

Mười là, căn cứ vào khả năng quan sát của thị giác, dấu vết được phân loại gồm dấu vết ẩn và dấu vết hiện.

+ Dấu vết ẩn: Dấu vết có màu sắc không tương phản với màu sắc của vật mang vết hoặc với môi trường xung quanh, dấu vết không rõ màu và hình thức tồn tại mà mắt thường không thể nhận biết được nếu không sử dụng phương tiện.

+ Dấu vết hiện: Dấu vết có thể nhận biết được bằng mắt thường do hình thức tồn tại và màu sắc của dấu vết tương phản với vật mang vết hoặc với môi trường xung quanh.

Ngoài những cách phân loại cơ bản trên, căn cứ theo các tiêu chí khác, dấu vết hình sự còn có thể được phân loại thành: Dấu vết giả, dấu vết thật…

Để được ĐẠI LÝ THUẾ HTMA tư vấn chi tiết về dịch vụ
Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 084.86.084.84 – 084.89.084.84
hoặc gửi qua địa chỉ email: dailythue@htma.vn

Đánh giá bài viết:
5/5

Related Posts

error: Content is protected !!