[Kỹ năng Luật sư Hình sự] Khái niệm về dấu vết hình sự

Tất cả các đối tượng vật chất, khi tác động vào nhau đều để lại những phản ánh vật chất, thể hiện quá trình tác động. Trong các vụ án hình sự, phản ánh vật chất giữa các đối tượng vật chất trong vụ án hình sự thì gọi là dấu vết hình sự. Đại từ điển tiếng Việt năm 2010, có định nghĩa về dấu vết như sau: “Dấu vết là cái còn lưu lại theo đó để nhận biết sự vật, hiện tượng đã in lại, tạo ra nó”. Có thể nói rằng, khái niệm này là khái niệm phản ánh chung nhất về dấu vết, trong các lĩnh vực. Theo đó, khái niệm đã chỉ ra rằng, dấu vết là kết quả của quá trình tác động giữa các đối tượng vật chất với nhau, sự tác động này đã để lại những dấu vết, mà qua đó có thể nhận biết được toàn bộ quá trình tác động giữa các vật chất đó để tạo ra dấu vết. Tuy nhiên, nội hàm khái niệm dấu vết như trên quá rộng, trong khoa học hình sự cần có khái niệm phù hợp hơn.

Theo Từ điển Bách khoa Công an nhân dân, năm 2006: “Dấu vết hình sự là những phản ánh vật chất hình thành và tồn tại trong mối quan hệ nhất định với vụ việc mang tính hình sự được phát hiện, thu thập, đánh giá và sử dụng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Khái niệm dấu vết này không phải là khái niệm dấu vết nói chung, mà là khái niệm dấu vết hình sự. Khái niệm này chỉ ra rằng, dấu vết hình sự là kết quả của quá trình tác động giữa các đối tượng vật chất với nhau. Các phản ánh vật chất này đã phản ánh toàn bộ quá trình tác động của các đối tượng vật chất trong các vụ việc hình sự, khoa học hình sự gọi là dấu vết hình sự. Việc phát hiện, thu thập, đánh giá và sử dụng những dấu vết này có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Từ sự phân tích trên, có thể thấy khái niệm dấu vết hình sự bao hàm một số nội dung sau:

Thứ nhất, dấu vết hình sự phải là những phản ánh vật chất.

Phản ánh vật chất hình thành khi hai hay nhiều đối tượng vật chất tác động qua lại lẫn nhau. Quá trình tác động đó sẽ hình thành nên các phản ánh vật chất. Phản ánh vật chất này khác với loại phản ánh khác là phản ánh tinh thần. Phản ánh tinh thần là phạm trù lời khai, là kết quả của nhận thức khách quan thông qua phản ánh chủ quan của con người. Phản ánh vật chất là thứ mà con người có thể tri giác được như có thể nhìn thấy, cầm, nắm…

Thứ hai, dấu vết hình sự hình thành trong mối quan hệ với tội phạm hoặc những sự việc mang tính chất hình sự.

Dấu vết trong các vụ việc hình sự là kết quả của sự tác động qua lại giữa các đối tượng trong vụ việc đó gây ra. Vụ việc mang tính hình sự là khái niệm pháp lý dùng để chỉ những vụ việc khi xảy ra làm phương hại tới những khách thể nhất định được BLHS bảo vệ. Đó là những vụ án, là những vụ tai nạn, vụ tệ nạn xã hội, ở đó có thể có tội phạm hoặc không có tội phạm. Dấu vết hình sự là kết quả tất yếu của vụ việc mang tính hình sự, việc phát hiện, thu thập, đánh giá dấu vết hình sự để phục vụ điều tra làm rõ bản chất vụ việc là hết sức cần thiết.

Từ sự phân tích trên, khái niệm dấu vết hình sự có thể phát biểu như sau:

Dấu vết hình sự là những phản ánh vật chất, hình thành và tồn tại trong mối quan hệ với vụ việc mang tính hình sự, cần được phát hiện, thu thập, đánh giá và sử dụng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Để được ĐẠI LÝ THUẾ HTMA tư vấn chi tiết về dịch vụ
Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 084.86.084.84 – 084.89.084.84
hoặc gửi qua địa chỉ email: dailythue@htma.vn

Đánh giá bài viết:
5/5
error: Content is protected !!