Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (thiết kế bố trí) là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Điểm khác biệt giữa thiết kế bố trí và các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ là đơn đăng ký thiết kế bố trí không phải thẩm định nội dung.
Như vậy, thủ tục đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn như nào?
1. Tài liệu tối thiểu
– 02 Tờ khai đăng ký thiết kế bố trí, đánh máy theo mẫu số: 02-TKBT Phụ lục A Thông tư 01/2007/TT-BKHCN;
– 04 bộ bản vẽ, ảnh chụp thiết kế bố trí;
– Thông tin về chức năng, cấu tạo của mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí;
– Mẫu mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí, nếu thiết kế bố trí đã được khai thác thương mại.
– Chứng từ nộp phí, lệ phí.
2. Thủ tục đăng kí thiết kế bố trí tích hợp mạch bán dẫn
a/ Trình tự nộp hồ sơ
Bước 1: Tiếp nhận đơn.
Đơn đăng kí có thể nộp trực tiếp hoặc được gửi qua bưu điện đến trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký thiết kế bố trí.
Kiểm tra việc tuân thủ những quy định về hình thức đối với đơn. Từ đó, đưa ra kết luận rằng đơn có hợp lệ hay không? (Ra quyết định chấp nhận đơn đăng ký hợp lệ hay bị từ chối chấp nhận đơn).
– Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ gửi cho người nộp đơn về quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Đồng thời nêu cụ thể đối tượng nêu trong đơn được cấp Giấy chứng nhận đăng kí thiết kế bố trí;
– Trong trường hợp đơn đăng ký không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ gửi cho người nộp đơn quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Bước 3: Công bố đơn.
Sau khi đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn đăng ký sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Bước 4: Thông báo dự định về cấp Giấy chứng nhận đăng kí thiết kế bố trí.
Bước 5: Ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng kí thiết kế bố trí. (Dựa theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính).
b/ Quy trình thẩm định đơn
Thời gian thẩm định hình thức đơn đăng ký là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn để xác định xem tiêu chí có đáp ứng những yêu cầu về hình thức đơn hay không? Đơn đăng ký thiết kế bố trí được công bố ở dưới hình thức tra cứu trực tiếp (không qua sao chép) tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Đối với thông tin bí mật trong đơn thì chỉ có những cơ quan có thẩm quyền và các bên có liên quan trong thủ tục hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí. Hoặc là thủ tục xử lý hành vi xâm phạm quyền thì mới được phép tra cứu.
Những thông tin cơ bản về Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí và đơn đăng ký thiết kế bố trí được công bố trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí.
c/Thời hạn bảo hộ
Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí sẽ có hiệu lực từ ngày cấp và sẽ chấm dứt vào ngày sớm nhất, cụ thể như sau:
– Kết thúc 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký;
– Kết thúc 10 năm kể từ ngày thiết kế bố trí đó được người có quyền đăng ký. Hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên ở bất cư nơi đâu trên thế giới;
– Kết thúc 15 năm kể từ ngày đã tạo ra thiết kế bố trí.
3. Phí, lệ phí đăng ký Thiết kế bố trí
– Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ
– Phí công bố đơn: 120.000VNĐ
– Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000VNĐ/01 hình
– Phí thẩm định: 180.000VNĐ
4. Thời hạn xử lý đơn đăng ký Thiết kế bố trí
Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký thiết kế bố trí được xem xét theo trình tự sau:
– Thẩm định hình thức: 01 tháng
– Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký thiết kế bố trí có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ
5. Hình thức nộp đơn
Người nộp đơn có thể lựa chọn hình thức nộp đơn giấy hoặc hình thức nộp đơn trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
a) Hình thức nộp đơn giấy
Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký thiết kế bố trí trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
– Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký thiết kế bố trí qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.
(Lưu ý: Khi chuyển tiền phí, lệ phí đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn cần gửi hồ sơ qua bưu điện tương ứng đến điểm tiếp nhận đơn đó).
b) Hình thức nộp đơn trực tuyến
– Điều kiện để nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.
– Trình tự nộp đơn trực tuyến:
+ Người nộp đơn cần thực hiện việc khai báo và gửi đơn đăng ký thiết kế bố trí trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, sau khi hoàn thành việc khai báo và gửi đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, Hệ thống sẽ gửi lại cho người nộp đơn Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến.
+ Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, người nộp đơn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ vào các ngày làm việc trong giờ giao dịch để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định.
+ Nếu tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, nếu không đủ tài liệu và phí/lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận.
Trong trường hợp Người nộp đơn không hoàn tất thủ tục nộp đơn theo quy định, tài liệu trực tuyến sẽ bị hủy và Thông báo hủy tài liệu trực tuyến được gửi cho Người nộp đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.
6. Mẫu tờ khai
(Ban hành theo Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ)
Phụ lục A – Mẫu số 02-TKBT: Tờ khai đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn *Tải về