[Kỹ năng Luật sư Hình sự] Một số đặc điểm chung về tâm lý người bị buộc tội và bị hại

Tâm lý người bị buộc tội và bị hại là những hiện tượng tinh thần nảy sinh trong đầu óc người bị buộc tội và bị hại nên không thể “đo lường” trực tiếp bằng các đại lượng vật lý, do đó khó nhận biết và đánh giá. Tuy nhiên, đặc điểm tâm lý người bị buộc tội và bị hại gắn liền và chi phối tâm lý của mỗi cá nhân của họ trước, trong và sau khi thực hiện hành vi bị coi là tội phạm.

Để thực hiện tốt việc bào chữa, bảo vệ của mình khi tham gia giải quyết vụ án hình sự, Luật sư cần nghiên cứu, nắm bắt được tâm lý của khách hàng, việc này giúp Luật sư tìm hiểu được bản chất của sự việc, diễn biến của tâm lý để có phương án, kế hoạch bào chữa, bảo vệ hiệu quả nhất.

Xem thêm: HƯỚNG DẪN TẬP SỰ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

Theo đó, khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng, cũng như thực hiện các công việc bào chữa, bảo vệ cho khách hàng của mình, Luật sư cần có phương pháp để nghiên cứu về tâm lý chung của khách hàng là người bị buộc tội và bị hại trong vụ án hình sự. Luật sư có thể nghiên cứu tâm lý của người bị buộc tội và bị hại thông qua các phương pháp sau:

1 là Phương pháp quan sát:

Tri giác một cách có tổ chức, có mục đích các biểu hiện bề ngoài của người bị buộc tội và bị hại như: Hành động, cử chỉ, ngôn ngữ, vẻ mặt, ánh mắt, cách nói năng, âm điệu ngôn ngữ… để không chỉ thu thập thông tin mà còn nhận biết được ý nghĩ, tình cảm, động cơ, thái độ, tâm lý và các thành phần tâm lý khác của khách hàng.

2 là Phương pháp trò chuyện:

Sự trao đổi bằng lời một cách trực tiếp với khách hàng, qua đó giúp Luật sư hiểu biết về tâm lý của khách hàng. Vấn đề lưu ý ở đây là để cuộc tiếp xúc, trao đổi đạt hiệu quả cao nhất thì Luật sư cần tạo ra được không khí thoải mái và tin tưởng khiến khách hàng hoàn toàn yên tâm cởi mở chia sẻ.

3 là Phương pháp nghiên cứu quá khứ:

Phương pháp nghiên cứu lai lịch, tiểu sử của khách hàng là người bị buộc tội và bị hại cũng rất quan trọng đối với Luật sư bào chữa, bảo vệ: Nghiên cứu tâm lý người bị buộc tội và bị hại thông qua việc hệ thống hóa các quan hệ xã hội của họ (quan hệ gia đình, bạn bè, quan hệ trong công việc…) để có cơ sở hiểu biết về các đặc điểm tâm lý của khách hàng.

4 là Phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động của khách hàng:

Là phương pháp nghiên cứu tâm lý đối tượng trên cơ sở kết quả của các mặt hoạt động cũng như hiệu quả hoàn thành các công việc nào đó của khách hàng. 

Phương pháp này dựa trên luận điểm cho rằng con người là một chủ thể hoạt động có mục đích, nên tâm lý con người luôn được ghi dấu trên những sản phẩm mà họ làm ra. Nghiên cứu các sản phẩm hoạt động của khách hàng trong chừng mực nhất định cho phép Luật sư biết được về nhu cầu, nguyện vọng, tư tưởng, quan điểm, trình độ, khả năng và những đặc điểm tâm lý khác của khách hàng. 

Cần chú ý nghiên cứu cả sản phẩm hoạt động tư duy (các tài liệu do khách hàng viết ra, các sáng kiến…) và các sản phẩm vật chất (công cụ, phương tiện, đồ đạc do khách hàng tự làm…) điều này rất có ý nghĩa để Luật sư biết phân loại diện người mà mình nhận lời bào chữa, bảo vệ. Theo đó, mỗi diện người khác nhau, tâm lý sẽ khác nhau, trình độ cũng khác nhau và do đó Luật sư biết cách làm việc với họ hiệu quả nhất.

5 là Phương pháp thực nghiệm:

Luật sư chủ động tạo ra hoàn cảnh, tình huống buộc khách hàng phải bộc lộ các đặc điểm tâm lý, phải lựa chọn quyết định, qua đó giúp cho Luật sư có được đánh giá, kết luận về tâm lý của khách hàng mà họ trợ giúp cho phù hợp.

– Tâm lý của người bị buộc tội và bị hại có nguồn gốc chính là từ những tác động tích cực và tiêu cực của môi trường sống, trong đó chú ý gia đình chính là nơi hình thành nhân cách gốc của họ.

Trong tâm lý người bị buộc tội và bị hại bao gồm cả tâm lý tích cực và tâm lý tiêu cực, có người có cả tâm lý tội phạm. Vì vậy, trong tiếp xúc với người bị buộc tội và người bị hại, Luật sư không chỉ phải nhận diện được tâm lý tiêu cực của khách hàng mà việc khơi dậy và sử dụng tâm lý tích cực ở khách hàng cũng hết sức cần thiết.

– Tâm lý người bị buộc tội và bị hại mang tính chủ thể, thể hiện ở việc cùng phản ánh về một sự việc, hiện tượng nhưng những người liên quan trong vụ việc và hiện tượng đó sẽ có “hình ảnh tâm lý” về vụ việc, hiện tượng đó với mức độ, sắc thái khác nhau bởi mỗi người phản ánh về vụ việc đó thông qua “lăng kính chủ quan” của mình. 

Ngay bản thân một người bị buộc tội, bị hại ở những thời điểm, giai đoạn khác nhau trong hoạt động tố tụng hình sự, sẽ xuất hiện những đặc điểm tâm lý khác nhau, thái độ khác nhau về cùng một vụ việc phạm tội mà hoạt động tố tụng buộc họ phải tham gia; trong những hoàn cảnh khác nhau của hoạt động tố tụng (khi tiếp xúc riêng với Luật sư, trong buổi lấy lời khai có cả Luật sư và Cán bộ điều tra, trong phiên tòa xét xử…) thì người bị buộc tội cũng có trạng thái tâm lý khác nhau.

– Tâm lý người bị buộc tội và bị hại cũng diễn ra theo các quy luật, cơ chế của đời sống tâm lý con người nói chung, bao gồm các quy luật của hoạt động nhận thức (thích ứng, tác động lẫn nhau, quy luật ngưỡng của cảm giác), thể hiện sự sinh động, phức tạp và biến đổi không ngừng trong tâm lý của các chủ thể tâm lý này, như là:

   + Giới hạn của cường độ mà ở đó kích thích gây ra cảm giác thì gọi là ngưỡng của cảm giác;

   + Quy luật lựa chọn, tổng giác, tính đối tượng của tri giác…);

   + Các quy luật của đời sống tình cảm (thích ứng, chai sạn, pha trộn, di chuyển, lây lan…), các quy luật của trí nhớ (nhận biết, hứng thú, tích lũy, ý thức, liên kết, nối tiếp liên tục, mạnh mẽ)… 

Nguồn: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự

ø Lưu ý: việc đăng tải bài viết đã thông qua điều chỉnh của tác giả và không nhằm mục đích thương mại ø

Để được ĐẠI LÝ THUẾ HTMA tư vấn chi tiết về dịch vụ
Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 084.86.084.84 – 084.89.084.84
hoặc gửi qua địa chỉ email: dailythue@htma.vn

Đánh giá bài viết:
5/5
error: Content is protected !!